Dây chuyền sản xuất mỡ bôi trơn chất lượng cao

0
Day Chuyen San Xuat Boi Tron

Day Chuyen San Xuat Boi Tron

Công ty phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), trực thuộc Tổng công ty Hoá chất Việt Nam, đã nghiên cứu thành công dây chuyền sản xuất mỡ bôi trơn chất lượng cao phục vụ kinh tế và quốc phòng Việt Nam. Công trình thể hiện tính kế thừa – sáng tạo trong nghiên cứu và triển khai, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội rõ rệt, tạo ra vật liệu bôi trơn mang thương hiệu Việt Nam.

Công trình do Tiến sĩ Đỗ Huy Định, Giám đốc APP, làm chủ nhiệm, kỹ sư Lê Kim Diên, phó chủ nhiệm, cùng sự tham gia của một số kỹ sư Việt Nam và nước ngoài thuộc Viện nghiên cứu công nghiệp chế biến dầu mỏ MASMA (Ukraina). Kết quả của nghiên cứu thể hiện ở dây chuyền sản xuất mỡ có tính linh hoạt cao, công suất 1.000 tấn năm, đặt tại Công ty APP.

Day Chuyen San Xuat Boi Tron

Ảnh minh họa

Tính linh hoạt thể hiện ở chỗ: Dây chuyền hiện nay, gồm 5 nồi phản ứng, mỗi nồi có dung tích khác nhau, có thể sản xuất 3 loại mỡ thành phẩm cùng một lúc. Dây chuyền công nghệ, có thể gọi là phi tiêu chuẩn này, được chế tạo ngay trong nước, kể cả những thiết bị phức tạp, thích ứng với lượng tiêu thụ hiện nay ở Việt Nam. Nếu nhập thiết bị của nước ngoài, hệ thống nồi phản ứng được chế tạo theo tiêu chuẩn hoá, chỉ sản xuất được 1-2 loại mỡ, song sản lượng lớn khoảng 4-5 nghìn tấn/năm. Từ dây chuyền công nghệ đầu tiên này, APP có thể tạo ra các sản phẩm khác ngoài mỡ bôi trơn hoặc mở rộng công suất theo nhu cầu thị trường.

Nguyên lý hoạt động
Có thể tóm tắt công nghệ sản xuất mỡ bôi trơn chất lượng cao như sau: Nguyên liệu từ kho dầu đầu nguồn tại Cảng Cửa Cấm, Hải Phòng, được đưa vào nồi phản ứng, trong đó xảy ra quá trình xà phòng hoá tạo ra chất làm đặc tạo cấu trúc. Tiếp theo là quá trình phân tán cơ nhiệt để tạo ra hệ bán sản phẩm đồng đều. Sau đó, hệ bán sản phẩm đồng đều được đưa vào quá trình làm nguội kết tinh tạo cấu trúc mỡ.

Mỡ phải đi qua một thiết bị tạo ra cấu trúc tinh vi nhất gọi là đồng thể hoá nghiền mỡ (chỉ duy nhất có thiết bị này trong dây chuyền phải nhập của Anh). Ngoài ra, từng giai đoạn đều phải kết hợp với quá trình phân tích, đánh giá trong phòng thí nghiệm. APP đã kết hợp các tiêu chuẩn đánh giá tính chất của Nga, các nước SNG, Anh và Mỹ. Chỉ riêng thiết bị phân tích đã lên tới 1,2 tỷ đồng.

Chi phí xây dựng và lắp đắt toàn bộ dây truyền sản xuất trên là gần 7 tỷ đồng Việt Nam, bao gồm hệ thống cấp nhiệt kín và xử lý chất thải. Như vậy vốn đầu tư chỉ bằng 30-40% so với nhập cả dây chuyền sản xuất của nước ngoài. Dây chuyền này còn cho phép tiến hành sản xuất thử các loại mỡ thế hệ mới, phân huỷ sinh học nhanh trên cơ sở sử dụng nguyên liệu dầu thực vật mà APP đang tiến hành nghiên cứu. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu chế tạo thiết bị phi tiêu chuẩn, thiết bị có kết cấu khuấy trộn phản ứng hoá học phức tạp và thiết bị trao đổi nhiệt phức phi tiêu chuẩn dùng dầu tải nhiệt. Hệ thống điều khiển vừa tự động, vừa gián đoạn cho phép dễ chuyển đổi, điều chỉnh quy trình sản xuất theo nhiều chế độ làm việc khác nhau.

Thành phẩm
Trao đổi với phóng viên TS, kỹ sư Lê Kim Diên, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển của APP, cho biết công ty đã sản xuất được 7 loại mỡ bôi trơn – bảo quản chất lượng cao trên cơ sở sử dụng nguồn nguyên liệu dễ đáp ứng ở Việt Nam. Những sản phẩm này thay thế hàng nhập khẩu, phù hợp với điều kiện khí hậu ở Việt Nam, đáp ứng tình trạng hiện tại cũng như tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm mỡ bôi trơn chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ mạnh ở Việt Nam mà còn được xuất khẩu sang Đài Loan. Hiện APP đã nhận được đơn đặt hàng từ Indonesia và Bangladesh.

Ông Lê Kim Diên nói: “”Tất cả các loại mỡ bôi trơn đa dụng cao cấp được sử dụng ở Việt Nam đều do các hãng nước ngoài đưa vào, chất lượng tuy cao song giá thành không hợp lý. Sản phẩm có tính hoàn cầu, chưa hẳn đã phù hợp với điều kiện khí hậu và các đặc thù làm việc của phương tiện tại Việt Nam. Giá bán bình quân các loại mỡ chất lượng cao của APP thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài tại Việt Nam là 3.000 đồng/kg””.

Đến nay, ở các nước đang phát triển như Việt Nam không có hãng dầu lớn nào chuyển giao công nghệ sản xuất mỡ vì đó là bí quyết của từng hãng(?), có chăng chỉ là hình thức liên doanh sản xuất, gia công thành phẩm. Ngoài ra, công nghệ sản xuất mỡ khá phức tạp, nhất là đối với các loại mỡ đa dụng. Đó cũng là lý do mà nhiều hãng chỉ chuyên sản xuất một vài loại mỡ cao cấp và công suất thường rất lớn.

Thuận lợi và khó khăn
Theo ông Lê Kim Diên, thuận lợi lớn nhất trong quá trình nghiên cứu là các nhà khoa học đã kế thừa thành tựu nghiên cứu sản xuất mỡ bôi trơn từ những năm trước, sự khuyến khích và hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là của Chương trình kinh tế – kỹ thuật về công nghệ vật liệu mới quốc gia. Công trình gắn với thực tế nên nhận được sự khuyến khích và ủng hộ của khách hàng.

Thuận lợi thì có nhiều song khó khăn cũng không ít. Đây là công trình đi lên từ nội lực nên các nhà khoa học phải tự mày mò từ quá trình nghiên cứu cho tới sản xuất và kinh doanh. Các nguồn nguyên liệu hầu như phải nhập ngoại. Và để sản xuất phải có đầu tư nghiên cứu chúng để đáp ứng đuợc với công nghệ sản xuất.

Dây chuyền sản xuất mỡ bôi trơn chất lượng cao của APP không tạo ra chất thải vì tất cả hơi hoá chất sau quá trình phản ứng được hút và xử lý ngay tại công ty, không thải ra ngoài. Dầu bôi trơn và hoá chất rơi vãi được thu gom và đưa trở lại làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất tiếp theo. Nó đã hội tụ tính kế thừa, sự sáng tạo phát triển và hợp tác của các cơ quan nghiên cứu trong nước theo mô hình gắn nghiên cứu với sản xuất kinh doanh, đào tạo.

Sưu tầm